Cẩm nang cho kế toán viên cần lưu ý khi lập báo cáo tài chính cuối năm

Chào mừng Bạn đến với Website của chúng tôi

Số 109 Đường A , khu tái định cư Long Sơn, p. Long Bình , TP. Thủ Đức , Tp. HCM

JL GOLF JL GOLF
logo

Hotline

0903 447 598

Email

Trungeasylink2009@gmail.com
Cẩm nang cho kế toán viên cần lưu ý khi lập báo cáo tài chính cuối năm
24/07/2024 12:03 PM 69 Lượt xem

    Nghị định

    Nghị định số 105/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 09 năm 2013, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2013;

    Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2016, quy định chi tiết một số điều của Luật kế toán, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017;

    Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 2018. (Nghị định này thay thế Nghị định số 105/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập).

    Thông tư

    Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014, Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp, Thông tư này có hiệu lực áp dụng sau 45 ngày kể từ ngày ký và áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 1/1/2015;

    Thông tư số 202/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014, Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký, áp dụng cho việc lập và trình bày Báo cáo tài chính hợp nhất của năm tài chính bắt đầu từ hoặc sau ngày 1/1/2015;

    Thông tư số 75/2015/TT-BTC ngày 18 tháng 05 năm 2015, Sửa đổi, bổ sung điều 128 thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014;

    Thông tư số 53/2016/TT-BTC ngày 21 tháng 03 năm 2016, Sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 1/1/2016. Các doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng tỷ giá hối đoái quy định tại Điều 1 Thông tư này cho Báo cáo tài chính năm 2015;

    Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26 tháng 8 năm 2016, Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hiệu lực áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 1/1/2017.

    Một số yêu cầu cơ bản về kế toán

    Chữ viết: chữ viết sử dụng trong kế toán là tiếng Việt. Hồ sơ kế toán phải được thể hiện bằng tiếng Việt, nhưng có thể kết hợp với một ngôn ngữ nước ngoài thường được sử dụng.

    Kỳ kế toán: kỳ kế toán năm là 12 tháng. Kỳ kế toán năm đầu tiên của doanh nghiệp mới được thành lập tính từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đến hết ngày cuối cùng của kỳ kế toán năm và không được dài hơn 15 tháng. Kỳ kế toán năm cuối cùng cũng không được dài hơn 15 tháng.

    Đơn vị tiền tệ: đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán là Đồng Việt Nam (“VND”). Tất cả các doanh nghiệp có hoạt động thu chi chủ yếu bằng ngoại tệ có thể xem xét sử dụng một ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ trong kế toán và khi soạn lập BCTC nếu đáp ứng một số tiêu chí nhất định. Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp lập BCTC bằng đồng ngoại tệ thì phải chuyển đổi BCTC ra VND khi công bố ra công chúng và nộp các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước tại Việt Nam.

    Chứng từ kế toán: chứng từ kế toán và sổ kế toán có thể được lưu trữ trên giấy hoặc lưu trữ trên phương tiện điện tử. Chứng từ kế toán và sổ kế toán được lưu trữ trên phương tiện điện tử thì không phải in ra giấy để lưu trữ. Khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc kiểm tra, thanh tra, giám sát và kiểm toán, doanh nghiệp phải có trách nhiệm in ra giấy các tài liệu kế toán lưu trữ trên phương tiện điện tử, ký xác nhận của người đại diện theo pháp Luật hoặc kế toán trưởng (phụ trách kế toán) và đóng dấu (nếu có).

    Con dấu: doanh nghiệp được quyền chủ động quyết định hình thức, số lượng và nội dung con dấu. Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện Điều lệ doanh nghiệp. Con dấu được sử dụng trong các trường hợp pháp luật quy định hoặc thỏa thuận giữa các bên.

    Lưu trữ tài liệu kế toán: năm (05) năm đối với tài liệu kế toán dùng cho quản lý, điều hành; mười (10) năm đối với chứng từ kế toán sử dụng trực tiếp để ghi sổ kế toán và lập BCTC, sổ kế toán và BCTC năm; và lưu trữ vĩnh viễn đối với tài liệu kế toán có tính sử liệu, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng.

    Các công ty hoạt động ở Việt Nam phải tuân thủ Chế độ kế toán Việt nam (CĐKT VN). Cơ quan thuế sử dụng việc không tuân thủ đúng CĐKT VN làm cơ chế để đánh giá lại về thuế và xử phạt, ví dụ như không cho doanh nghiệp hưởng các ưu đãi thuế TNDN, không cho phép tính các chi phí được trừ để tính thuế TNDN, không cho phép khấu trừ thuế GTGT đầu vào/hoàn thuế GTGT.

    Một số lưu ý về kế toán khi lập báo cáo tài chính cuối năm

    Báo cáo tài chính

    Báo cáo tài chính năm phải được sự phê duyệt của kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật và một bản sao của BCTC phải được nộp cho được nộp cho cơ quan cấp phép hiện hành trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Ngoài ra, các doanh nghiệp niêm yết và các công ty có lợi ích công chúng phải lập BCTC bán niên.

    Thực hiện kiểm kê vào cuối kỳ kế toán năm

    Kế toán cần lưu ý

    Công ty thường quên hoặc không thực hiện việc kiểm kê tài sản: tiền mặt, hàng tồn kho và tài sản cố định, công cụ dụng cụ vào thời điểm kết thúc niên độ kế toán trước khi lập Báo cáo tài chính và chỉ thực hiện kiểm kê khi có yêu cầu từ kiểm toán.

    Quy định hiện hành

    Theo điều 40, Luật kế toán thì “Kiểm kê tài sản là việc cân, đong, đo, đếm số lượng; xác nhận và đánh giá chất lượng, giá trị của tài sản, nguồn vốn hiện có tại thời điểm kiểm kê để kiểm tra, đối chiếu với số liệu trong sổ kế toán và quy định đơn vị kế toán phải kiểm kê tài sản vào cuối kỳ kế toán năm.

    Sau khi kiểm kê tài sản, đơn vị kế toán phải lập báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê. Trường hợp có chênh lệch giữa số liệu thực tế kiểm kê với số liệu ghi trên sổ kế toán, đơn vị kế toán phải xác định nguyên nhân và phải phản ánh số chênh lệch, kết quả xử lý vào sổ kế toán trước khi lập báo cáo tài chính”.

    Đồng thời, tại điều 16, Nghị định 41/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018, quy định xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập thì: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Không lập Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê hoặc báo cáo kết quả kiểm kê không có đầy đủ chữ ký theo quy định; b) Không phản ảnh số chênh lệch và kết quả xử lý số chênh lệch giữa số liệu kiểm kê thực tế với số liệu sổ kế toán; Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện kiểm kê tài sản theo quy định”.

    Ý kiến tư vấn

    Căn cứ các quy định nêu trên, việc thực hiện kiểm kê vào cuối kỳ kế toán năm là công việc Công ty bắt buộc phải tổ chức thực hiện. Để tuân thủ các quy định hiện hành và nhằm tránh bị xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, Công ty cần ra Quyết định kiểm kê, thành lập Tổ kiểm kê thực hiện công tác kiểm kê tài sản tại thời điểm cuối kỳ kế toán năm.

    Trích trước các khoản chi phí

    Kế toán cần lưu ý

    Khi lập Báo cáo tài chính, kế toán thường không chú ý đến việc trích trước các khoản chi phí của năm hiện hành như chi phí điện nước tháng 12, chi phí kế toán tháng 12, thuê nhà, … chưa có đủ hóa đơn, chứng từ, được thanh toán vào năm sau dẫn đến ghi nhận chi phí không đúng kỳ.

    Quy định hiện hành

    Theo điều 82, Thông tư 200/2014/TT-BTC và điều 59, Thông tư 133/2016/TT-BTC quy định Nguyên tắc kế toán các khoản chi phí thì: “Chi phí là những khoản làm giảm lợi ích kinh tế, được ghi nhận tại thời điểm giao dịch phát sinh hoặc khi có khả năng tương đối chắc chắn sẽ phát sinh trong tương lai không phân biệt đã chi tiền hay chưa.

    Việc ghi nhận chi phí ngay cả khi chưa đến kỳ hạn thanh toán nhưng có khả năng chắc chắn sẽ phát sinh nhằm đảm bảo nguyên tắc thận trọng và bảo toàn vốn”.

    Đồng thời theo điều 54, Thông tư 200/2014/TT-BTC và điều 43, Thông tư 133/2016/TT-BTC quy định về Tài khoản 335 – chi phí phải trả thì “Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản phải trả cho hàng hóa, dịch vụ đã nhận được từ người bán hoặc đã cung cấp cho người mua trong kỳ báo cáo nhưng thực tế chưa chi trả do chưa có hóa đơn hoặc chưa đủ hồ sơ, tài liệu kế toán, được ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh của kỳ báo cáo”.

    Ý kiến tư vấn

    Công ty cần lưu ý rà soát thực hiện trích trước các khoản chi phí phát sinh có tính chu kỳ và thường xuyên đặc biệt các chi phí của tháng 12 nhưng chưa nhận được đầy đủ chứng từ như: tiền lương, thưởng, điện thoại, điện, nước, tiền thuê nhà … Việc này giúp tránh vi phạm nguyên tắc kế toán cũng như rủi ro về thuế khi ghi nhận chi phí không đúng kỳ.

    Thực hiện trích lập/hoàn nhập dự phòng

    Kế toán cần lưu ý

    Công ty thường không thực hiện kiểm tra việc trích lập/hoàn nhập các khoản dự phòng tại thời điểm cuối năm như dự phòng các khoản phải thu khó đòi, dự phòng hàng tồn kho, dự phòng các khoản đầu tư, … theo quy định. Đặc biệt, các công ty có công nợ phải thu chậm thu hồi hoặc có hàng tồn kho là các hàng hoá, sản phẩm chậm luân chuyển, hư hỏng, lỗi thời, mất phẩm chất, …

    Quy định hiện hành

    Việc thực hiện trích lập/hoàn nhập các khoản dự phòng được quy định chi tiết tại điều 45, Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn Chế độ Kế toán DN, Điều 36, Thông tư 133/2016/TT-BTC ngày 26 tháng 8 năm 2016 hướng dẫn Chế độ Kế toán Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thông tư 228/2009/TT-BTC ngày 07 tháng 12 năm 2009 của Bộ Tài chính về việc Hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợp phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại Doanh nghiệp và Thông tư 89/2013/TT-BTC ngày 28 tháng 6 năm 2013 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 228/2009/TT-BTC.

    Ý kiến tư vấn

    Vào thời điểm cuối kỳ kế toán năm, Công ty cần căn cứ vào biến động thực tế về giá hàng tồn kho, giá chứng khoán, giá trị các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi và cam kết bảo hành sản phẩm, hàng hóa để chủ động xác định mức trích lập/hoàn nhập, sử dụng từng khoản dự phòng đúng mục đích giúp cho doanh nghiệp có nguồn tài chính để bù đắp tổn thất có thể xảy ra trong năm kế hoạch, nhằm bảo toàn vốn kinh doanh; đảm bảo cho doanh nghiệp phản ánh giá trị vật tư hàng hóa tồn kho, các khoản đầu tư tài chính không cao hơn giá cả trên thị trường và giá trị của các khoản nợ phải thu không cao hơn giá trị có thể thu hồi được tại thời điểm lập báo cáo tài chính. Thời điểm lập và hoàn nhập các khoản dự phòng là thời điểm cuối kỳ kế toán năm.

    Đánh giá chênh lệch tỷ giá cuối kỳ các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ

    Kế toán cần lưu ý

    Công ty thường quên không thực hiện đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập báo cáo tài chính cuối năm.

    Quy định hiện hành

    Áp dụng theo thông tư 200/2014/TT-BTC

    Theo điều 69 “Tài khoản 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái” của thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp quy định “Doanh nghiệp phải đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ theo tỷ giá giao dịch thực tế tại tất cả các thời điểm lập Báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật. Đối với các doanh nghiệp đã sử dụng công cụ tài chính để dự phòng rủi ro hối đoái thì không được đánh giá lại các khoản vay, nợ phải trả có gốc ngoại tệ đã sử dụng công cụ tài chính để dự phòng rủi ro hối đoái”.

    Nguyên tắc đánh giá lại số dư các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ theo tỷ giá giao dịch thực tế:

    Khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được phân loại là nợ phải trả: được đánh giá theo tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch tại thời điểm lập Báo cáo tài chính;

    Khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được phân loại là tài sản: được đánh giá theo tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch tại thời điểm lập Báo cáo tài chính;

    Đối với các khoản ngoại tệ gửi ngân hàng thì tỷ giá thực tế khi đánh giá lại là tỷ giá mua của ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản ngoại tệ;

    Các đơn vị trong tập đoàn được áp dụng chung một tỷ giá do Công ty mẹ quy định (phải đảm bảo sát với tỷ giá giao dịch thực tế) để đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ phát sinh từ các giao dịch nội bộ.
    Trường hợp doanh nghiệp sử dụng tỷ giá xấp xỉ với tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch để hạch toán các giao dịch bằng ngoại tệ phát sinh trong kỳ, cuối kỳ kế toán doanh nghiệp sử dụng tỷ giá chuyển Khoản của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch để đánh giá lại các Khoản Mục tiền tệ có gốc ngoại tệ. Tỷ giá chuyển Khoản này có thể là tỷ giá mua hoặc bán hoặc tỷ giá mua bán chuyển Khoản trung bình của ngân hàng thương mại. Tỷ giá xấp xỉ đảm bảo chênh lệch không vượt quá +/-1% so với tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình.

    Áp dụng theo thông tư 133/2016/TT-BTC

    Theo điều 52 “Tài khoản 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái” của thông tư 133/2016/TT-BTC ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định “Doanh nghiệp phải đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ theo tỷ giá chuyển khoản trung bình cuối kỳ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch tại tất cả các thời điểm lập Báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật”.

    Tỷ giá chuyển khoản trung bình cuối kỳ: trung bình cộng giữa tỷ giá mua và tỷ giá bán chuyển khoản cuối kỳ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch.

    Ý kiến tư vấn

    Căn cứ vào các quy định nêu trên và Chế độ Kế toán Công ty đang áp dụng để làm căn cứ thực hiện việc đánh giá lại chênh lệch tỷ giá cuối kỳ trước khi lập Báo cáo tài chính đối với các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cho phù hợp với quy định hiện hành.

    Phân loại các chỉ tiêu ngắn hạn, dài hạn trên Bảng CĐKT

    Kế toán cần lưu ý

    Công ty phân loại và trình các chỉ tiêu trên Bảng Cân đối kế toán chưa phù hợp với quy định hiện hành, đặc biết đối với các khoản phải thu, phải trả, đầu tư tài chính có thời hạn gốc trên 12 tháng số dư đầu kỳ nằm ở chỉ tiêu dài hạn nhưng vào thời điểm cuối kỳ thời gian thanh toán còn lại dưới 12 tháng không được phân loại và trình bày trên chỉ tiêu ngắn hạn.

    Quy định hiện hành

    Áp dụng theo thông tư 200/2014/TT-BTC

    Theo Điều 112, Hướng dẫn lập và trình bày Bảng cân đối kế toán năm” của thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp quy định thì trên Bảng cân đối kế toán, các khoản mục Tài sản và Nợ phải trả phải được trình bày riêng biệt thành ngắn hạn và dài hạn, tuỳ theo thời hạn của chu kỳ kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, theo đó:

    Tài sản và Nợ phải trả được thu hồi hay thanh toán trong vòng không quá 12 tháng tới kể từ thời điểm báo cáo được xếp vào loại ngắn hạn (ngoại trừ chi phí trả trước được xác định theo thời gian gốc);

    Tài sản và Nợ phải trả được thu hồi hay thanh toán từ 12 tháng trở lên kể từ thời điểm báo cáo được xếp vào loại dài hạn (ngoại trừ chi phí trả trước được xác định theo thời gian gốc).

    Áp dụng theo thông tư 133/2016/TT-BTC

    Theo hướng dẫn tại Điều 81, 82 Thông tư 133/2016/TT-BTC ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa thì các khoản mục Tài sản và Nợ phải trả trên Báo cáo tình hình tài chính được trình bày riêng biệt thành ngắn hạn và dài hạn (tương tự hướng dẫn trình bày Bảng cân đối kế toán của Thông tư 200/2014/TT-BTC) hoặc trình bày theo tính thanh khoản giảm dần (không phân loại ngắn hạn, dài hạn).

    Riêng doanh nghiệp siêu nhỏ, Báo cáo tình hình tài chính được trình bày theo tính thanh khoản giảm dần.

    Ý kiến tư vấn

    Doanh nghiệp cần căn cứ vào chế độ kế toán đang áp dụng để thực hiện phân loại và trình bày số dư các khoản đầu tư tài chính, các khoản phải thu, chi phí trả trước, các tài sản khác, nợ phải trả trên Báo cáo tài chính cho phù hợp với quy định hiện hành.

    Bù trừ thu nhập khác và chi phí khác liên quan hoạt động nhượng bán, thanh lý TSCĐ, BĐSĐT khi trình bày KQHĐKD

    Kế toán cần lưu ý

    Khi trình bày thanh lý tài sản cố định, kế toán thường vẫn áp dụng trình bày theo quy định cũ là thu nhập từ thanh lý Tài sản cố định (TSCĐ) trình bày vào chỉ tiêu “Thu nhập khác” và giá trị còn lại của TSCĐ thanh lý trình bày vào chỉ tiêu “Chi phí khác” trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh donah. Thay vì Công ty phải thực hiện bù trừ giữa thu nhập khác và chi phí khác trước khi trình bày trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh liên qua đến giao dịch thanh lý, nhượng bán TSCĐ, bất động sản đầu tư (BĐSĐT).

    Quy định hiện hành

    Theo Điều 113 “Hướng dẫn lập và trình bày Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh” của Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ Kế toán Doanh nghiệp và Điều 81 “Hướng dẫn lập và trình bày Báo cáo tài chính” của Thông tư 133/2016/TT-BTC ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ Kế toán Doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định thì Mã số 31 “Thu nhập khác” và Mã số 32 “Chi phí khác” thì đối với giao dịch thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT, thì số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là phần chênh lệch giữa khoản thu từ việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT cao hơn giá trị còn lại của TSCĐ, BĐSĐT và chi phí thanh lý.

    Ý kiến tư vấn
    Căn cứ quy định nêu trên, khi trình bày Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh Công ty cần thực hiện bù trừ thu nhập khác và chi phí khác của hoạt động thanh lý TSCĐ, BĐSĐT khi trình bày tại Mã số 31 và Mã số 32 cho phù hợp với quy định hiện hành về Chế độ Kế toán Việt Nam.

    Trình bày lợi nhuận sau thuế

    Kế toán lưu ý

    Khi lập Báo cáo tài chính theo Thông tư 200, số liệu trình bày tại chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối kỳ này” (Mã số 421b) không khớp giữa Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh do một số sai sót phổ biến như: các khoản truy thu thuế ghi nhận trược tiếp vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hoặc xảy ra sai sót khi lập Báo cáo tài chính.

    Quy định hiện hành

    Theo Điều 112 “Hướng dẫn lập và trình bày Bảng cân đối kế toán năm” của Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ Kế toán Doanh nghiệp quy định: “Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối kỳ này” trên Bảng cân đối kế toán năm là số dư Có của tài khoản 4212 “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm nay”. Trường hợp tài khoản 4212 có số dư Nợ thì số liệu chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).”

    Ý kiến tư vấn
    Căn cứ theo quy định trên, số liệu để trình bày tại chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối kỳ này” (Mã số 421b) được lấy từ chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp” (Mã số 60) trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

    Do đó, nếu xảy ra chênh lệch chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối Công ty cần lưu ý rà soát kiểm tra một số nội dung như: lợi nhuận đã phân phối trong năm theo biên bản thỏa thuận phân phối lợi nhuận của chủ sở hữu, kiểm tra các nghiệp vụ ghi nhận bất thường vào TK 421 ngoài các nghiệp vụ kết chuyển lợi nhuận thông thường và điều chỉnh hồi tố, hoặc kiểm tra cách thức lập báo cáo tài chính có thể xảy ra sai sót.

    Trình bày các bên liên quan

    Kế toán lưu ý

    Công ty thường không xác định chính xác và trình bày không đầy đủ về thông tin về các bên liên theo quy định của Chuẩn mực Kế toán Việt Nam và Chế độ Kế toán Doanh nghiệp hiện hành.

    Quy định hiện hành

    Theo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 26 “Thông tin về các bên liên quan” thì các bên được coi là liên quan nếu một bên có khả năng kiểm soát hoặc có ảnh hưởng đáng kể đối với bên kia trong việc ra quyết định các chính sách tài chính và hoạt động; và Báo cáo tài chính phải trình bày một số mối quan hệ nhất định giữa các bên liên quan. Các quan hệ thường được chú ý là giao dịch của những người lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông, thành viên góp vốn … đặc biệt là khoản tiền lương và các khoản tiền vay, công nợ phải thu, phải trả. Bên cạnh đó cần trình bày các giao dịch giữa các công ty trong cùng tập đoàn và số dư các khoản phải thu, phải trả giữa tập đoàn, với các công ty liên kết và với Ban Giám đốc.

    Các giao dịch chủ yếu giữa các bên liên quan cũng phải được trình bày trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp báo cáo trong kỳ mà các giao dịch đó có ảnh hưởng, gồm: Mua hoặc bán hàng (thành phẩm hay sản phẩm dở dang); Mua hoặc bán tài sản cố định và các tài sản khác; Cung cấp hay nhận dịch vụ; Giao dịch đại lý; Giao dịch thuê tài sản; Chuyển giao về nghiên cứu và phát triển; Thỏa thuận về giấy phép; Các khoản tài trợ; Bảo lãnh và thế chấp; Các hợp đồng quản lý.

    Ý kiến tư vấn

    Căn cứ quy định nêu trên khi trình bày Thuyết minh Báo cáo tài chính Công ty cần lưu ý thể hiện đầy đủ thông tin về nội dung, giá trị giao dịch phát sinh trong năm, số dư tại thời điểm lập Báo cáo tài chính đối với các bên liên quan theo đúng quy định hiện hành.

    Ngoài ra, khi phát sinh các giao dịch với bên liên quan cũng cần lưu ý tuân thủ Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017 và thông tư 41/2017/TT-BTC ngày 15 tháng 06 năm 2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

    Thực hiện việc đối chiếu công nợ

    Kế toán cần lưu ý

    Kế toán thường không gửi biên bản đối chiếu công nợ cuối năm hoặc biên bản đối chiếu công nợ nhưng không nhận phản hồi từ bên liên quan, hoặc kết quả đối chiếu công nợ có sự chênh lệch nhưng kế toán không lưu tâm xử lý dẫn đến số dư công nợ và các khoản mục liên quan được trình bày trên Báo cáo tài chính không phản ảnh đúng tình hình thực tế của Công ty.

    Ý kiến tư vấn

    Công nợ phải thu, phải trả

    Công nợ các khoản phải thu, phải trả cần thực hiện việc kiểm tra, gửi thư xác nhận vào thời điểm cuối năm lập Báo cáo tài chính nhằm đảm bảo tính chắc chắn của các khoản công nợ, kịp thời tìm hiểu nguyên nhân và điều chỉnh các chênh lệch (nếu có) tránh được việc bỏ sót các khoản chi phí/doanh thu trong năm. Đồng thời, việc này giúp Công ty quản lý tốt nguồn lực tài chính, xác định các khoản nợ đến hạn cần thanh toán để có sự chuẩn bị cần thiết cũng như xác định nợ phải thu khó đòi, lập dự phòng đầy đủ thu quy định.

    Công nợ thuế với cơ quan thuế, nợ BHXH với cơ quan BHXH.

    Kế toán cần liên hệ các cơ quan chức năng này để xác nhận tính chắc chắn của các khoản phải trả phải nộp về thuế và BHXH. Việc đối chiếu này nhằm giúp DN giảm thiểu rủi ro nợ thuế, Bảo hiểm, tránh các chi phí phạt, truy thu khi các cơ quan thuế kiểm tra; phát hiện được các sai sót trong quá trình hạch toán lương, trích bảo hiểm, …

    Thực hiện việc phân bổ thuế GTGT dùng chung cho hoạt động chịu thuế và không chịu thuế theo tỷ lệ doanh thu cả năm

    Kế toán cần lưu ý

    Đối với một số Công ty vừa có doanh thu chịu thuế và doanh thu không chịu thuế hàng tháng/quý đã phần bổ thuế GTGT cho từng hoạt động nên vào thời điểm cuối năm kế toán thường bỏ sót không thực hiện phân bổ lại theo tỷ lệ doanh thu cho cả năm.

    Quy định hiện hành

    Theo quy định tại Khoản 9, Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC: “Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (kể cả tài sản cố định) sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ; trường hợp không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu chịu thuế GTGT, doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra bao gồm cả doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế không hạch toán riêng được.

    Cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT hàng tháng/quý tạm phân bổ số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định mua vào được khấu trừ trong tháng/quý, cuối năm cơ sở kinh doanh thực hiện tính phân bổ số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của năm để kê khai điều chỉnh thuế GTGT đầu vào đã tạm phân bổ khấu trừ theo tháng/quý.”
    Ý kiến tư vấn
    Căn cứ hướng dẫn trên, Doanh nghiệp có phát sinh thuế GTGT đầu vào mà dùng chung cho đầu ra chịu thuế và đầu ra không chịu thuế thì được tính toán và phân bổ theo từng kỳ kê khai thuế (tháng/quý) theo đúng tỷ lệ doanh thu của tháng/quý đó. Nhưng cuối năm, phải thực hiện tính toán lại số thuế GTGT dùng chung được khấu trừ theo tỷ lệ (DT chịu thuế cả năm/DT tổng cộng cả năm), điều chỉnh chênh lệch tại kỳ khai thuế GTGT cuối cùng (tháng 12/2018 hoặc quý 4/2018).

    Download file: Lưu ý khi lập BCTC

    Một số nội dung thường gặp khác kế toán cần lưu ý

    Chi phí tiền lương

    Về thuế TNCN: Theo luật thuế TNCN, thời điểm tính thuế TNCN từ tiền lương tiền công là thời điểm chi trả. Do đó, các Công ty chi trả lương lệch kì đối với các khoản chi trả tiền lương cuối năm. Ví dụ đối với tiền lương tháng 12/2018 người lao động được chi vào tháng 01 năm 2019 thì thu nhập này là thu nhập chịu thuế TNCN năm 2019 của người lao động.

    Về thuế TNDN: Theo Điểm 2.5 Khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC ban hành ngày 18 tháng 06 năm 2014 và Điểm 2.6 Khoản 2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ban hành ngày 22 tháng 06 năm 2015 sửa đổi, bổ sung Quy định về chi phí không được trừ liên quan đến các khoản chi phí tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thì các khoản sau không được trừ khi xác định thuế TNDN:

    Chi tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác cho người lao động doanh nghiệp đã hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thực tế không chi trả hoặc không có chứng từ thanh toán theo quy định của pháp luật.

    Các khoản tiền lương, tiền thưởng, chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

    Chi tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp phải trả cho người lao động nhưng hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm thực tế chưa chi trừ trường hợp doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề. Mức dự phòng hàng năm do doanh nghiệp quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện”.

    Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ); thù lao trả cho các sáng lập viên, thành viên của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị mà những người này không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh.

    Kiểm tra sự phù hợp doanh thu, giá vốn và chi phí

    Theo chuẩn mực kế toán số 14 “Doanh thu và thu nhập khác” thì “Doanh thu và chi phí liên quan tới cùng một giao dịch phải được ghi nhận đồng thời theo nguyên tắc phù hợp. Các chi phí, bao gồm cả chi phí phát sinh sau ngày giao hàng (như chi phí bảo hành và chi phí khác), thường được xác định chắc chắn khi các điều kiện ghi nhận doanh thu được thỏa mãn. Các khoản tiền nhận trước của khách hàng không được ghi nhận là doanh thu mà được ghi nhận là một khoản nợ phải trả tại thời điểm nhận tiền trước của khách hàng. Khoản nợ phải trả về số tiền nhận trước của khách hàng chỉ được ghi nhận là doanh thu khi đồng thời thỏa mãn năm (5) điều kiện quy định ở đoạn 10”.

    Căn cứ các quy định nêu trên Công ty cần lưu ý rà soát, kiểm tra đảm bảo doanh thu và chi phí đã được ghi nhận đầy đủ bao gồm chi phí giá vốn, đặc biệt đối với các giao dịch vào thời gian trước và sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm.

    Hình thức thanh toán trong giao dịch vay

    Hình thức thanh toán trong giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau giữa các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng sử dụng hình thức thanh toán bằng tiền mặt.

    Theo quy định tại Điều 3 và Điều 4, Thông tư 09/2015/TT-BTC ngày 29 tháng 01 năm 2015 về hướng dẫn giao dịch tài chính của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt thì các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng thì khi thực hiện giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau không được sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) mà phải thực hiện dưới các hình thức sau: a) Thanh toán bằng Séc; b) Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền; c) Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.

    Căn cứ các quy định nêu trên Công ty cần lưu ý nếu có phát sinh các giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay giữa các doanh nghiệp với nhau cần thực hiện đúng quy định nêu trên để tránh có thể bị phạt hành chính khi vi phạm quy định về hình thức thanh toán trong giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay.

    Một số quy định mới liên quan đến kế toán có hiệu lực trong năm 2018

    Nghị định 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018

    Theo Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

    Phạt đến 30 triệu đồng hành vi giả mạo, khai man chứng từ kế toán

    Trong đó, với lĩnh vực kế toán, về xử phạt hành vi vi phạm quy định chung về pháp luật kế toán:

    Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Áp dụng sai quy định về chữ viết; chữ số trong kế toán; áp dụng sai quy định về đơn vị tiền tệ trong kế toán; áp dụng sai quy định về kỳ kế toán; áp dụng sai chế độ kế toán mà đơn vị thuộc đối tượng áp dụng.

    Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi ban hành, công bố chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán, chế độ kế toán không đúng thẩm quyền.

    Về xử phạt hành vi vi phạm quy định về chứng từ kế toán:

    Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Mẫu chứng từ kế toán không có đầy đủ các nội dung chủ yếu theo quy định; tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán; ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ, mực phai màu; ký chứng từ kế toán bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn; chứng từ chi tiền không ký theo từng liên.

    Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Lập chứng từ kế toán không đủ số liên theo quy định của mỗi loại chứng từ kế toán; ký chứng từ kế toán khi chưa ghi đủ nội dung chứng từ thuộc trách nhiệm của người ký; ký chứng từ kế toán mà không đúng thẩm quyền; chữ ký của một người không thống nhất hoặc không đúng với sổ đăng ký mẫu chữ ký; chứng từ kế toán không có đủ chữ ký theo chức danh quy định trên chứng từ; không dịch chứng từ kế toán bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt theo quy định; để hư hỏng, mất mát tài liệu, chứng từ kế toán đang trong quá trình sử dụng.

    Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Giả mạo, khai man chứng từ kế toán nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man chứng từ kế toán nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; lập chứng từ kế toán có nội dung các liên không giống nhau trong trường hợp phải lập chứng từ kế toán có nhiều liên cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; không lập chứng từ kế toán khi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; lập nhiều lần chứng từ kế toán cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; thực hiện chi tiền khi chứng từ chi tiền chưa có đầy đủ chữ ký của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về kế toán.

    Phạt nặng hành vi khai man số liệu báo cáo tài chính

    Nghị định cũng quy định cụ thể mức phạt hành vi vi phạm quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính. Cụ thể:

    Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Lập báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung hoặc không đúng biểu mẫu theo quy định; báo cáo tài chính không có chữ ký của người lập, kế toán trưởng, phụ trách kế toán hoặc người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán.

    Đối với một trong các hành vi: Lập không đầy đủ các báo cáo tài chính theo quy định; áp dụng mẫu báo cáo tài chính khác với quy định của chuẩn mực và chế độ kế toán trừ trường hợp đã được Bộ Tài chính chấp thuận thì sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

    Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Không lập báo cáo tài chính theo quy định; lập báo cáo tài chính không đúng với số liệu trên sổ kế toán và chứng từ kế toán; lập và trình bày báo cáo tài chính không tuân thủ đúng chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán.

    Phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu trên báo cáo tài chính nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu trên báo cáo tài chính nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; cố ý, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Nghị định có hiệu lực từ 01 tháng 5 năm 2018.

    Vi phạm về kế toán bị phạt tù đến 20 năm

    Năm 2018, Bộ luật Hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực trong đó bổ sung tội danh liên quan lĩnh vực kế toán.

    Cụ thể, Điều 221 của Bộ luật này quy định: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi giả mạo, khai man, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa tài liệu kế toán; Dụ dỗ, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật; Hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu kế toán trước thời hạn lưu trữ…gây thiệt hại từ 100 – dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 – 05 năm.

    Nộp báo cáo tài chính theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC (Công văn số 1980/TCT-KK ngày 23/05/2018)

    Căn cứ các hướng dẫn nêu trên, người nộp thuế là doanh nghiệp nhỏ và vừa (bao gồm cả doanh nghiệp siêu nhỏ) thuộc đối tượng áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 của Bộ Tài chính phải lập và gửi báo cáo tài chính đến các cơ quan quản lý (cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan Thống kê) theo mẫu biểu và hướng dẫn tại Thông tư số 133/2016/TT-BTC từ năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/01/2017. Trường hợp, các doanh nghiệp này đã nộp báo cáo tài chính theo mẫu biểu báo cáo tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC thì cơ quan thuế hướng dẫn doanh nghiệp gửi lại báo cáo tài chính theo mẫu biểu ban hành kèm theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC.

    Cơ quan thuế căn cứ ngày tại Thông báo bước 1 lần đầu của báo cáo tài chính theo Quyết định 48/2006/QĐ-BTC (là ngày ghi nhận người nộp thuế đã hoàn thành nghĩa vụ nộp báo cáo tài chính) để xử phạt vi phạm hành chính về chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định.

    Zalo
    Hotline